Nhìn từ một chuyến đi
Posted by adminbasam on 05/01/2016
Cát Linh, Phóng viên RFA
4-1-2016
Những ngày cuối năm vừa qua, Truyền thông Việt Nam và nhà nước Trung Quốc cùng loan tin về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng và chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tại Đại sảnh đường Nhân dân Bắc Kinh vào chiều ngày 23/12. Đặc biệt chuyến đi này diễn ra trước Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
Chuyến đi này đã đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi và sự quan tâm về tình hình nội bộ của Đảng CSVN hiện tại và trong tương lai. Cát Linh tìm hiểu ý kiến của các nhà quan sát chính trị và những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Nhân sự: Một vấn đề mới?
Chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng vào cuối tháng 12 năm 2015 tạo nên rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Các chuyên gia cũng như những nhà quan sát chính trị thì đưa ra nhiều nhận định khác nhau. Vấn đề được tranh luận nhiều nhất đó là thực chất chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng mang tính chất đối ngoại đơn thuần, hay mang hàm ý liên quan đến vấn đề nhân sự trong nội bộ Đảng Cộng sản, đặc biệt là khi Đại hội Đảng lần thứ 12 của nhà nước Việt Nam sẽ diễn ra trong đầu năm 2016.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Minh triết Việt Nam cho biết có hai ý kiến khác nhau về sự kiện này. Một số người cho rằng đây là chuyến đi mang tính chất ngoại giao trước khi hết nhiệm kỳ, mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai gọi là ‘chuyến đi buổi hoàng hôn’ của ông Nguyễn Sinh Hùng. Bên cạnh đó thì có một quan điểm khác, cho rằng mục đích chuyến đi liên quan đến nội bộ, nhân sự của Đảng Cộng Sản VN.
“ Có ý kiến cho rằng đây là chuyến đi hoàng hôn của ông Nguyễn Sinh Hùng, đi dưỡng già trước khi hạ cánh, nhưng mà nhiều ý kiến khác, trong đó có tôi thì cho rằng đây là một cuộc đi chính trị. Như thường lệ là sang tấu bái với thiên triều vấn đề Đại hội 12 của CSVN. Xưa nay họ vẫn hay làm như thế. Bây giờ trong tình hình gây cấn của nội bộ, rất nhiều ý kiến khác nhau. Có nhiều ý kiến về thay đổi đường lối, thay đổi tên Đảng, tên nước, từ bỏ chủ nghĩa Max Lenin. Như thế là một vấn đề mới.”
Trong lịch sử của Đảng Cộng Sản VN, đã từng có rất nhiều kiến nghị, thư ngỏ được gửi đi từ các nhân sĩ tri thức, các đảng viên cũng như những người ngoài Đảng. Thế nhưng, vào ngày 9 tháng 12 vừa qua, một bức thư ngỏ được cho là “vô tiền khoáng hậu’ đã được gửi thẳng đến Bộ chính trị Đảng Cộng Sản VN, bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và nhà nước Việt Nam yêu cầu thay đổi tên đảng, tên nhà nước và từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lenin “vì tương lai dân tộc”. Động thái này được thực hiện bởi 127 nhân sĩ trí thức có tên tuổi ở Việt Nam. Đặc biệt là nội dung bức thư này đề cập đến việc đề nghị bầu cử trực tiếp chức vụ Tổng bí thư.
Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, bên cạnh ‘vấn đề mới’ này, còn một ý kiến khác được cho là hàm ý chủ chốt trong chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng.
“Thứ hai là nhân sự cũng gây cấn, hai phe. Một phe bày tỏ thái độ trung thành lệ thuộc với thiên triều, mọi người đã thấy rõ. Một phe nữa thì người ta cho rằng đó là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn cải cách đổi mới cho nghiêm túc, đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn. Và có thể là một tư thế thoát trung để có thể chơi với nhân loại, thế giới tiến bộ, có sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc trước sức mạnh uy hiếp của Trung Quốc. Đây là dư luận thứ hai, và dư luận này rất đông và rất mạnh. Người ta cho rằng đây là chuyến đi tiêu cực, có hại chứ không có lợi.”
Nhân sự và chủ quyền quốc gia
Nhà đấu tranh dân chủ Trần Bang, người từng bị lực lượng công an đánh mang thương tích vì biểu tình chống chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Việt Nam, cho biết quan điểm của ông sau khi khẳng định sự quan hệ mật thiết giữa Đảng CSVN và Đảng CS Trung Quốc.
“Từ trước đến nay về nhân sự thì cứ bị ảnh hưởng với nhau chứ không thể nói là không được. Thế nhưng rõ như thế nào thì bên ngoài mình không thể nghe và không thể biết được. Vì nó tương đồng về ý thức hệ.”
Là người quan tâm và đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ông Trần Bang nói rằng việc Trung Quốc xây dựng những đảo nhân tạo trên vùng biển của Việt Nam đã không được ông Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua. Thay vào đó là vấn đề tồn tại chế độ hiện hành ở Việt Nam. Điều đó, theo ông, đã chứng minh rằng chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng hoàn toàn vì vấn đề nhân sự trong nội bộ.
“Ông Nguyễn Sinh Hùng là một trong tứ trụ của triều đình trong nền chính trị Việt Nam thì ông không lên tiếng mạnh mẽ, mà ông sang đó để giao du với các cấp mà ra lệnh làm việc đó (xây các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa). Các ông ấy không đặt vấn đề chủ quyền biển đảo lên trên, mà chỉ đề cập đến vấn đề tồn tại của Đảng Cộng Sản. Rõ ràng là có gì đó liên quan đến vấn đề nhân sự.”
Cũng cố quyền lực
Trong bối cảnh hiện tại mà nhiều người cho rằng nội bộ của Đảng Cộng Sản VN đang có sự xáo trộn, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là chuyến đi cũng cố vị trí trước kỳ họp Đại hội Đảng sắp đến. Giáo sư Nguyễn Khắc Mai có ý kiến rằng:
“Có một cái như kiểu là tìm một cơ hội, trong một tình hình gay go như thế nào đó mà ông Trọng không thể nào trụ vững. Những nhân vật khác do ông Trọng muốn đỡ đầu cũng không được. Phía ông Dũng cũng không tranh được. Vì thế nó rơi vào một cái chuyện mà lâu nay, một anh ‘ba bị’ nào đấy trong tình hình hai phe tranh chấp thì anh ta được lựa chọn.”
Cũng theo nhận định của giáo sư Nguyễn Khắc Mai , trong tiền lệ đã từng diễn ra sự tranh chấp quyền lực giữa hai phe trong Đảng cộng sản Việt Nam, và cuối cùng thì luôn có một bên thứ ba được hưởng lợi từ cuộc tranh chấp ấy. Vì thế, ông nói thêm rằng, ông đang lo lịch sử Việt Nam sẽ lặp lại một bi kịch từ rất xưa:
“Khi có những thế lực trong triều đình muốn tranh quyền ngày xưa thì thường họ sẽ chọn những ông vua trẻ con hoặc những anh ‘ba bị’ để họ có thể chi phối được. Trong lịch sử thời Trịnh đã từng có những câu chuyện này.”
Chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng đã kết thúc. Tuy nhiên, qua những nhận định, ý kiến mà đài Á Châu tự do chúng tôi nhận được đã cho thấy dư luận và người dân trong nước vẫn còn rất nhiều lo lắng cho một đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước trong tương lai. Xin mượn lời chia sẻ giáo sư Nguyễn Khắc Mai để kết thúc cho những nhìn nhận từ một chuyến đi: Khi lực lượng chính trị đã mất cả danh nghĩa, mất cả trình tự dân tộc vì lợi ích phe nhóm, đảng phái thì những người tranh giành vì quyền lợi đó sẵn sàng làm bất cứ điều gì.
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét