Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

“Nền kinh tế nhìn từ ngoài như người mặc áo đẹp, cởi ra mới thấy có vấn đề”

“Nền kinh tế nhìn từ ngoài như người mặc áo đẹp, cởi ra mới thấy có vấn đề”

17/01/2016 - 20:40 PM
“Nền kinh tế Việt Nam nhìn từ ngoài vào như một người mặc quần áo đẹp, cởi ra mới thấy thân thể có vấn đề”, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.
“Nền kinh tế nhìn từ ngoài như người mặc áo đẹp, cởi ra mới thấy có vấn đề”
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Tại hội nghị “Đổi mới và phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế” sáng nay (17.1), khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam 2015, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam nhìn từ ngoài vào như một người mặc quần áo đẹp, cởi ra mới thấy thân thể có vấn đề. 
Ông Thiên lấy ví dụ, về công nghiệp, trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng cả nước tăng 16% nhưng riêng ngành chế biến chế tạo chỉ chuyển dịch được 1,6%. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao là 2% nhưng chủ yếu nằm ở phân khúc giá trị gia tăng thấp.
“Nghiên cứu cho thấy công nghệ của Việt Nam gần như không thay đổi nhiều trong suốt 30 năm qua, công nghiệp hóa - hiện đại hóa mang tính khẩu hiệu, như vậy thì đất nước phát triển làm sao được”, PGS. TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi. 
Về mức độ phục hồi tăng trưởng nền kinh tế, ông Thiên cho rằng con số 6,68% là quá đẹp nhưng đi vào cụ thể, tuyệt đại bộ phận tăng GDP đến từ khu vực đầu tư nước ngoài. “Như vậy, chỉ có phần làm thuê Việt Nam làm tốt, còn phần làm chủ thì không”. 
Cũng theo chuyên gia này, lạm phát năm nay chỉ ở mức 0,6%, nhìn vào thấy “hơi bất thường”. Có nhiều lập luận cho rằng lạm phát thấp do giá dầu giảm, giá cả thế giới suy thoái, nhưng theo ông Thiên, giá cả thấp sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm. 
Bàn về vấn đề cổ phần hóa, ông Thiên nhận định, nếu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đúng mục tiêu, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ lành mạnh hơn rất nhiều. Ông cũng nhấn mạnh, nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cổ phần hóa chứ không phải “nhăm nhăm” vào số lượng. Theo đó, nhà nước cần thu hồi tài sản đúng giá, đồng thời quan tâm đến việc doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần bán được bao nhiêu tài sản. 
“Nếu doanh nghiệp nhà nước bán được 10 - 20% thôi thì hoạt động này không có giá trị gì vì nhà nước vẫn có quyền kiểm soát. Tôi đã từng đề xuất Quốc hội nên cổ phần hóa tính theo tỷ lệ vốn mà nhà nước chuyển giao cho doanh nghiệp, đặt ra mục tiêu cụ thể. Suy cho cùng, để cổ phần hóa thành công, Việt Nam phải tái cơ cấu chính bộ máy dẫn dắt quá trình tái cơ cấu. Bộ máy cũ làm sao lãnh đạo được quá trình mới”, ông Thiên nói. 
Trong năm 2015, theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Việt Nam gây “chấn động” với tốc độ ký kết “khủng khiếp” các hiệp định hội nhập thế giới. Trong khi đó, vấn đề nóng nhất là Việt Nam chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập, chỉ có Quốc hội làm luật nhưng hiệu lực thi hành của luật cũng chưa mạnh mẽ. 
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam còn lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, con số nhập siêu hàng năm từ 45- 50 tỷ USD. Nếu không có sự chuẩn bị thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ gặp khó trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề, ông Thiên dự báo. 
Tuyết Nhung (Theo BizLIVE)

“Mỗi năm Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 50 tỷ USD. Trong đó con số nhập siêu theo thống kê chính thức khoảng 32 tỷ USD và hàng hóa từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam theo con đường nhập lậu trị giá khoảng 20 tỷ USD. Nền kinh tế VN lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nặng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn nghiêm trọng, tiền bạc đang chảy ra khỏi Trung Quốc không thể cản nổi. Việt Nam cần tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc này”, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam cho biết. (Theo Lao động)


Nguồn:người đô thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét