Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Cải cách thể chế chính trị tại Việt nam cần diễn ra như thế nào?

Cải cách thể chế chính trị tại Việt nam cần diễn ra như thế nào?

Posted by adminbasam on 30/01/2016
Nguyễn Hồng Hải
30-1-2016
Cải cách thể chế chính trị là mối quan tâm của không chỉ đông đảo người dân mà cả giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Các quan chức lãnh đạo từ những người đã về hưu hay đương chức cũng đã có những đề cập vấn đề này qua các bài phát biểu về đổi mới và cải cách, có thể họ nói bóng gió hay thẳng thắn trực tiếp như bài diễn văn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong đại hội đảng toàn quốc vừa qua. Tôi đã có một bài viết trước đây về việc có khả năng ông Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ tới sẽ là tổng bí thư Việt Nam thực hiện việc cải cách hay là người đặt nền móng cho việc cải cách về chính trị ở Việt Nam sau này.

Nếu vấn đề cải cách chính trị được đưa ra bàn thảo một cách nghiêm túc (cả từ phía người cầm quyền hay từ phía các tổ chức chính trị xã hội) thì hai vấn đề cần được quan tâm là cái đích cần hướng tới trong cải cách chính trị và lộ trình để đi tới cách đích đó như thế nào. Trong bài viết này tôi muốn thể hiện quan điểm cá nhân tôi về hai vấn đề này.
Vấn đề thứ nhất, đâu là cái đích mà Việt Nam cần hướng tới trong cải cách về chính trị. Cải cách chính trị không đơn giản chỉ là đưa Việt Nam từ một nước độc đảng trở thành nước một nước đa đảng. Đa đảng không phải là phép màu để đưa Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ, ổn định, công bằng và giàu mạnh. Nhìn rộng ra trên thế giới thì chúng ta thấy có rất nhiều nước đa đảng nhưng không thực sự dân chủ ví dụ như Nga, hoặc đa đảng nhưng không ổn định như Thái Lan, Ukraine, một số nước trung Đông, đa đảng những vẫn nghèo đói chậm phát triển như một số quốc gia Châu phi, Châu Á.
Cải cách chính trị là phải cải cách cả một hệ thống chính trị bao gồm từ Hiến pháp, pháp luật, hệ thống cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước cho phù hợp từng quốc gia. Như vậy, xác định một cách chính xác một hệ thống chính trị như thế nào là phù hợp với đất nước Việt Nam là một vấn đề không đơn giản, cần sự nghiên cứu, đóng góp cả từ phía nhà cầm quyền lẫn các tổ chức, chuyên gia, nhà phân tích về kinh tế, chính trị, xã hội…
Trong bài viết này tôi không đi quá sâu về phân tích một hệ thống chính trị như thế nào là phù hợp với Việt Nam trong tương lai mà chỉ đưa ra những nguyên tắc chung để so sánh giữa những quốc gia đa đảng nhưng dân chủ, ổn định, phát triển và những quốc gia đa đảng nhưng mất ổn định, chậm phát triển. Để từ đó có thể có những nhìn nhận chung về cái đích cần hướng tới khi chuyển đổi hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Trong một quốc gia luôn bao gồm nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau gọi chung là các nhóm người dân khác nhau. Sự khác nhau này có thể từ lợi ích, tôn giáo, sắc tộc, vùng miền. Các tầng lớp và giai cấp này có những lúc chung lợi ích và mục tiêu, ví dụ như bảo vệ đất nước và chủ quyền. Và có khi có những mâu thuẫn nhau về lợi ích, ví dụ như muốn tăng lương cho giới công chức thì cần đánh thuế cao hơn người lao động và giới chủ. Hay nếu tạo thuận lợi cho giới chủ có thể làm thiệt hại quyền lợi người lao động…
Trong một đất nước độc tài thường sẽ có một nhóm người đưa ra “luật chơi” và tất cả các nhóm còn lại buộc phải tuân theo. Do đó, một chính quyền độc tài có thể tạo ra cho đất nước sự ổn định nhất định nhưng có thể dẫn tới sự mất công bằng và chậm phát triển. Ngược lại tại một quốc gia đa đảng, nếu giả sử mỗi đảng phái đại diện cho quyền lợi của một nhóm người nhất định thì cần tạo ra một “luật chơi chung”. Nếu các đảng phái không tuẩn thủ “luật chơi chung” đó thì dễ dẫn tới mất ổn định, nội chiến, nhất là khi có những mẫu thuẫn về lợi ích, quan điểm tôn giáo, chính trị không thể nào cùng ngồi với nhau giải quyết được. Do vậy, xây dựng một đất nước đa đảng phải đảm bảo có một “luật chơi chung” phù hợp và đi kèm với nâng cao nhận thức của các đảng phái, của người dân trong việc tuân thủ “luật chơi chung” đó.
Các đảng phái cũng cần biết lúc nào cần thể hiện sự giám sát và lúc nào cần sự hợp tác với đảng cầm quyền vì mục tiêu và quyền lợi chung của đất nước. Chứ không thể biến chính trường là nơi chỉ để tranh giành quyền lực và quyền lợi mà làm ảnh hưởng tới quyền lợi chung của phần lớn nhân dân. Khi so sánh các quốc gia đa đảng trên thế giới, sẽ có thể nhận thấy ở những nước dân chủ và phát triển thì các đảng phái và người dân tuân thủ khá tốt “luật chơi chung”. Còn những nước đa đảng mà mất ổn định và kém phát triển thì các đảng phái và người dân đều tuân thủ không tốt hoặc không tuân thủ “luật chơi chung”.
Vậy vấn đề cải cách chính trị tại Việt Nam là công việc xây dựng một “luật chơi chung” hay cụ thể là xây dựng một hệ thống hiến pháp, pháp luật, bộ máy quản lý phù hợp với Việt Nam đồng thời nâng cao ý thức của người dân và các tổ chức chính trị, xã hội biết tuân thủ “luật chơi chung” đó.
Vấn đề thứ hai là lộ trình để hướng tới cái đích của cải cách chính trị. Sự thay đổi về thể chế chính trị có thể do chính những người lãnh đạo đất nước khởi xướng như Miến Điện hoặc một cuộc cách mạng như các nước Đông Âu, Nga, Trung Đông. Tuy nhiên, bất kể một sự thay đổi một chính quyền nào đều phải xuất phát từ chính những người làm việc trong chính quyền đó hoặc sự hậu thuẫn của họ. Các cuộc đảo chính hay cách mạng màu. Nếu không có sự hậu thuẫn, làm ngơ của khá nhiều người trong giới quân đội, cảnh sát và bộ phận không nhỏ những người làm việc cho chính quyền thì đương nhiên các cuộc cách mạng đó không thể thành công.
Nếu sự thay đổi theo hướng “cách mạng” diễn ra ở Việt Nam thì chúng ta cũng chưa thể xác định một cách chính xác tương lai của Việt nam sẽ thế nào? Và nhận định của tôi là khả năng này khó có thể xẩy ra ở Việt Nam. Vậy sự thay đổi còn lại là do chính những người lãnh đạo đất nước khởi xướng. Điều này có thể xẩy ra khi áp lực phải thay đổi ngày càng lớn và đã được nhiều quan chức đề cập. Nhưng có lẽ vấn đề đau đầu “nhất là lộ trình cải cách thế nào để bảo đảm vừa hướng được tới đích và đồng thời những người thực hiện cải cách với những người được lợi từ cải cách đều chấp nhận được.
Những người thực hiện cải cách cũng đã mất đi những quyền lực và quyền lợi nhất định, nên không ai muốn sau cải cách cá nhân, gia đình phải chịu những rủi ro lớn về tài sản, tính mạng. Những người được lợi từ cải cách cần chấp nhận một lộ trình từ từ, có sự hợp tác với mục tiêu hỗ trợ để cải cách thành công, chứ không tập trung vào việc truy cứu quá khứ những người cầm quyền đã thực hiện cải cách. Trong bài viết này tôi không đề cập lộ trình từng bước mà chỉ nêu các cải cách mang tính quá độ, một số điểm mang tính chuyển tiếp để tới đích. Đối với cá nhân tôi, những vấn đề cải cách nên diễn ra ở những mặt sau đây.
– Cải cách về vấn đề bầu cử: Đầu tiên phải bảo đảm quyền bầu cử thực chất của người dân. Trước mắt vẫn thực hiện việc đảng đề xuất các ứng viên cho các vị trí cần bầu cử (tối thiểu phải là hai người cho một ví trí). Sau đó người dân sẽ thực hiện bầu ra người xứng đáng với vị trí đó. Trước đây để được vào một ví trí nào đó thì các ứng viên chỉ cần làm tốt công tác vận động trong đảng. Khi quyền bầu cử thực chất được về với người dân, những người được đảng đề cử phải thể hiện khả năng của mình trước công chúng, thông qua các cuộc tranh luận trực tiếp, đưa ra các quan điểm và kế hoạch của mình nếu thắng cử. Người dân sẽ thông qua đó để bầu ra người mình muốn. Kết quả kiểm phiếu phải có mặt nhiều tổ chức giám sát và có ghi hình. Việc này sẽ thay đổi một cách đáng kể hành động của những người được bầu ra. Bởi họ buộc phải hành động để lấy lòng người dân và thể hiện năng lực của mình. Điều này cũng giúp cho đảng tìm ra được đảng viên tốt hơn và phù hợp với nguyện vọng dân chúng hơn so với việc ấn định một người cụ thể vào vị trí nhất định hoặc khi bầu cử mang tính hình thức. Đây chính là việc tạo ra sự cạnh tranh công khai và lành mạnh trong đảng. Tránh được việc mỗi khi có bầu cử là hàng loạt các tin xấu về các ứng viên được tung lên các trang web không chính thống của nhà nước. Việc bầu cử nên được thực hiện không chỉ bầu đại biểu quốc hội mà các chức danh khác như chủ tịch tỉnh, xã cũng nên được dân bầu ra.
– Cải cách về đại biểu quốc hội: Các đại biểu quốc hội phải chuyên trách. Khi đã là đại biểu quốc hội thì buộc phải tạm thời bỏ nghề mà họ đã làm trước đây như nhà báo, doanh nhân… để tập trung vào nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ chính là tiếp dân, tập hợp các ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong khu vực, phản ánh nguyện vọng của người dân lên quốc hội, chất vấn điều hành của chính phủ và thông qua luật. Họ cần phải được cấp tài chính để mở văn phòng làm việc riêng, có thuê phụ tá trợ giúp, thậm chí có website riêng. Các đại biểu quốc hội là đại điện của nhân dân tại một khu vực thì họ phải hiểu rõ yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân tại khu vực đó và đương nhiên đại biểu quốc hội phải là người sống tại vùng đó chứ không thể ở vùng khác. Ví dụ tôi đã thấy có người chỉ sống ở Hà nội lại làm đại diện cho nhân dân ở Cà Mau. Khi các đại biểu quốc hội thực hiện chuyên trách thì người dân cũng đánh giá được sự năng lực và trách nhiệm của họ và là cơ sở cho việc bầu cử nhiệm kỳ tiếp theo.
– Cải cách về phân cấp và quyên quyền: Đã từ lâu, trong quản lý xã hội ở Việt Nam xảy ra hai tình trạng. Một là có những vấn đề xã hội xảy ra không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc có quá nhiều cơ quan liên quan và cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm. Việc phân quyền phải bảo đảm “phủ kín” các vấn đề quản lý xã hội. Để bất cứ vấn đề gì xảy ra trong xã hội đều có một người, một đơn vị nhất định phải chịu trách nhiệm. Hai là, một số cơ quan cấp trên người ít nhưng lại nắm rất nhiều quyền hành xử lý từ việc nhỏ tới lớn. Trong khi các đơn vị cấp dưới có một lực lượng nhân sự đông đảo nhưng lại thực chất không có quyền hành gì nhiều, mọi thứ đều phải xin ý kiến cấp trên. Do vậy, việc quản lý xã hội bị động, trì trệ và không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Thành phố đi đầu trong việc phân cấp và phân quyền mạnh mẽ này ở Việt Nam là Đà nẵng do ông Nguyễn Xuân Anh chủ trì và hy vọng nó thành công và là điển hình tốt cho các tỉnh thành khác tại VN.
– Cải cách về tiền lương: Nâng lương thật cao cho những người làm công tác quản lý nhà nước đi đôi với việc tinh giảm biên chế. Qua tìm hiểu, tôi được biết mức lương thủ tướng Việt Nam hiện tại chưa tới 1.000USD và thấp hơn trưởng phòng của một ngân hàng bình thường trong nước, còn nếu so với nước ngoài thì chưa bằng một nửa so với lương một người lao động chân tay phổ thông. Như vậy sẽ đặt vào tình trạng người làm quản lý, điều hành đất nước một là bất tài, hai là kém đạo đức. Vì chỉ có những người bất tài không kiếm được mức lương cao hơn thì mới chấp nhận làm việc với mức lương thấp. Hai là nếu họ không bất tài thì họ sẽ phải có những hành động tham nhũng, hay tư túi cá nhân tức là kém đạo đức. Một người hoặc là bất tài, hoặc là kém đạo đức mà làm quản lý cả một xã hội thì không thể tránh khỏi những sai lầm, lãnh phí, thất thoát cho cả xã hội. Do vậy, nếu có nâng lương thủ tướng lên vài triệu USD một năm hay các vị trí quản lý khác lên gấp nhiều lần mức lương hiện tại để thu hút những người giỏi, người tài, có đạo đức, thì cũng không thấm tháp vào đâu so với những hiệu quả mà họ sẽ mang lại.
– Quản lý hoạt động của các tổ chức chính trị, dân sự: Cho dù muốn hay không thì Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều các tổ chức chính trị, dân sự và các cá nhân hoạt động chính trị đối lập. Đó cũng là xu thế tất yếu của phát triển xã hội. Nếu các cá nhân và tổ chức này bị đặt ngoài vòng pháp luật thì dường như chính quyền đã đẩy họ vào thế đối đầu nhiều hơn là hợp tác. Tức là các hoạt động của các tổ chức và cá nhân này sẽ tập trung phần lớn việc nêu ra những điểm chưa tốt, không phù hợp của chính quyền hiện tại và ít có những hoạt động ủng hộ, cổ vũ chính quyền. Cần cho phép các tổ chức chính trị và dân sự được hình thành nhưng có sự quản lý của chính quyền. Bước đầu có thể chưa cho phép hình thành đảng đối lập để tham gia vào tiến trình bầu cử nhưng các tổ chức chính trị sẽ được phép hoạt động thảo luận để đưa ra các bản kiến nghị, góp ý với những chính sách của đảng và đưa ra những chất vấn, thắc mắc trong việc quản lý điều hành đất nước của các cá nhân, cấp chính quyền. Các kiến nghị và chất vấn của tổ chức thường sẽ đầy đủ có chất lượng hơn so với những cá nhân riêng lẻ. Việc cho phép hoạt động như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức dần quên với việc trao đổi thảo luận chính trị công khai và hoạt động có tổ chức. Tạo bước chuyển tiếp cho cải cách chính trị tiếp theo.
Tôi viết bài này với mong muốn Việt Nam có một sự cải cách tích cực, có lợi cho sự phát triển đất nước đảm bảo cho một tương lai đất nước ổn định, dân chủ và giàu mạnh và văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét