Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

YẾU TỐ HÌNH THỂ, YẾU TỐ SINH THỰC KHÍ VÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI.

YẾU TỐ HÌNH THỂ, YẾU TỐ SINH THỰC KHÍ VÀ HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI

Văn Quang sưu tầm







Nguyễn Du miêu tả cảnh Kiều tắm:

"Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên"

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đưa hình thể của “thiếu nữ” hiện lên như một tuyệt tác của thiên nhiên:

"Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông"
(Thiếu nữ ngủ ngày)

Bồng Đảo thường gọi là Bồng Lai, là tên của một trong ba hòn núi có tiên ở trong Bột Hải; Đào Nguyên là nơi đời Tần có một người tránh loạn vào ở đấy để tiêu dao. Từ nghĩa cụ thể chỉ địa danh nó phát triển rộng lên để chỉ những nơi đẹp, hấp dẫn. Hồ Xuân Hương dùng cách nói đồng âm để thay cho việc gọi tên hai bộ phận đặc trưng của thiếu nữ xuân thời. Thú vị hơn là cặp từ Bồng – Đảo; Đào – Nguyên cùng âm với bồng (bồng bế, nâng lên) – đảo; đào – (giữ) nguyên; là các hành động mà nếu đặt vào nhân vật “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt” trong bài thơ, tương ứng với hai bộ phận “gò”, “lạch” đã nói, thì rất phù hợp cảnh ý lẫn tình!

Ở chỗ khác, dường như Bà đã tả bộ phận kín đáo của người phụ nữ bằng cách chơi chữ Vịnh cái quạt:

"Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa"

Bộ phận sinh thực khí nam “ẩn mình” trong nghệ thuật tả cảnh Hang Cắc Cớ:

"Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am"
(Hang Cắc cớ)

Nguyễn Khuyến cũng dùng cách nói õm ờ để người đọc có thể liên tưởng…

"Người xinh, cái bóng tình tinh cũng …
Một bút một thêm một điểm tình!"
(Đề ảnh Tố Nữ)
Câu thơ lấy ý từ câu ca dao: Người xinh cái bóng cũng xinh/ Người giòn, cái tỉnh tình tinh cũng giòn.


Nguyễn Gia Thiều, trong Cung oán ngâm khúc khi miêu tả cảnh “mây mưa” của vua với cung nữ, đã dẫn tư liệu trong văn học Trung Quốc – một biểu hiện nghệ thuật tiêu biểu của thơ Việt Nam trung đại:

"Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng"

Tề Tuyên Vương khi nói chuyện trị với Mạnh tử, có nói câu quả nhân hữu tật, quả nhân hiếu sắc: kẻ quả nhân (tự xưng) này có tật, kẻ quả nhân này ưa sắc. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên, tức bệnh ưa sắc đẹp của một đấng quân vương

Trong thơ Kiều, khi miêu tả cảnh Thúy Kiều ở lầu xanh, Nguyễn Du viết:

"Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh"

Hình ảnh lá gió cành chim có nguồn gốc từ chuyện nàng Tiết Đào đời Đường lúc nhỏ, nàng có làm bài thơ rằng: Chi nghinh nam bắc điểu; diệp tống vãng lai phong, nghĩa là: Cành đón chim nam bắc/ Lá đưa gió lại qua.Người cha xem thơ biết rằng số con không ra gì. Nguyễn Du đúc ý tứ từ hai câu thơ của Tiết Đào thành nhóm từ lá gió cành chim để chỉ cảnh gái giang hồ, tiếp khách bốn phương.

Trước đó, nhà thơ miêu tả cảnh Mã Giám Sinh tước mất “cái ngàn vàng” của Kiều:

"Miếng ngon kề đến tận nơi
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham"
“Đào tiên đã bén hơi phàm,
Thì vin cành quýt cho cam sự đời!
Dưới trần mấy mặt làng chơi
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa?
Nước vỏ lựu, máu màu gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên” (…)

Tú Bà khi biết sự tình đã lớn tiếng mắng Thúy Kiều đánh mất sự trinh trắng bằng hình ảnh:

"Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma"

Sống cảnh lầu xanh, Thúy Kiều có lúc “nuối tiếc” bởi không trao thân cho người mình yêu thương:

"Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung"

Trong thơ Hồ Xuân Hương, cách miêu tả cụ thể hơn, chi tiết hơn, dù nó cũng ẩn ý qua cách miêu tả cảnh “đánh đu”, thực ra không khác gì cảnh trong “phòng the”:

"Trai du gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn manh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không."

Tóm lại, với quan niệm thẩm mỹ khắt khe của những “hiền nhân quân tử” theo học cửa Khổng sân Trình nên văn học Việt Nam trung đại không chú trọng yếu tố tả thực. Vì thế, nó càng hiếm hoi cảnh ái ân, nếu có cũng được dùng bằng các điển tích, cách chơi chữ dùng từ đa nghĩa, … Tất cả nhằm mục đích để “tránh” đi những chuyện cần tránh!

Song khát vọng của con người vẫn âm ĩ và sẵn sàng bùng cháy khi có điều kiện. Nguyễn Công Trứ, một bậc danh Nho thời Nguyễn đã thẳng thừng tuyên bố:

"Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay
Tài tình dễ mấy xưa nay?"

Trong cảnh “ngất ngưởng”, đi chùa lễ Phật ông vẫn mang hầu thiếp theo cho thoả lòng vui thú!

"Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng"

Hồ Xuân Hương mạnh mẽ khẳng định, đó là chuyện con người, rất con người, chẳng có gì phải dấu giếm: Chúa dấu vua yêu một cái này! (Vịnh cái quạt)

Hay như:
"Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo"


Đôi lời:

Ở người đời, tư tưởng - với sự hỗ trợ của bản năng – bao giờ cũng muốn phóng khoáng phong lưu nhưng lại thường không dám nhìn thẳng vào mình, không muốn (như nhiều người nói) “đối diện với mình”, không dám “đối diện với bản ngã”. Con người ngượng ngập tìm cách che giấu dục vọng, kìm nén nó, không dám bước ra các biên giới lằn ranh luân lý.
Ca dao người Việt có câu rằng:

"Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma"

Nhân tính và phi nhân tính cũng là ở đấy. Dục vọng với sĩ diện, với danh dự là “hai mặt của một vấn đề”, là văn hóa, là nghệ thuật đã làm nên giá trị cho cuộc sống này.

Thường các ranh giới vô hình ấy chỉ là hàng rào chắn để áp đặt cho người khác chứ lại không nhằm vào mình (dâm là xấu, dành cho kẻ khác chứ không dành cho ta). Đạo lý luân thường đã khoác cho tình dục cái áo giáp nghĩa vụ cao thượng rồi trả công mạt hạng cho nó bằng chút ít khoái cảm không làm thỏa mãn thật sự cho cả nam lẫn nữ. Nhiều nhà văn cảm thấy bó tay trước bức tường “đạo đức xã hội” dựng lên trước đề tài mà cụ thể là các nhà thơ thời trung đại Việt Nam và thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đó là một biểu hiện của cực đoan, song để cho khách quan cũng cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của nó (trong đó không nên bỏ qua nhiệm vụ và chức năng của văn học).

Văn học thế giới không thiếu những tác phẩm chứa đựng những yếu tố sex nhưng đã trở thành kiệt tác của nhân loại: Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Tây Sương ký, … Nghìn lẽ một đêm, … là những ví dụ điển hình.
Ở một cấp độ khác, một góc nhìn khác những Tố nữ kinh, Nhục bồ đoàn, … cũng là những tác phẩm viết sex, nhưng lại được khuyến cáo chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp. Điều đó, không quá xa lạ, hãy nhớ cha ông ta ngày trước cũng đã từng xem Truyện Kiều, truyện Phan Trần là những trường hợp … cần phải tránh xa như vậy:

"Làm trai chớ đọc Phan Trần
Làm gái chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều."

Nếu quá đề cao và tôn sùng sex để rồi sa đà, đi vào những biến tướng lệch lạc tạo ra những tác phẩm chỉ đơn thuần về kỹ năng tình dục, phòng the, là điều không hay, bởi nó trái với thuần phong mỹ tục, … Đó cũng là một biểu hiện của sự cực đoan về vấn đề nhạy cảm này. Không ai yêu văn chương chân chính chấp nhận những tác phẩm đồi trụy với cách viết từ trang đầu đến chí cuối toàn là những cảnh làm tình,, rên rỉ, đầy dục vọng.


Từ những vấn đề đã phân tích, chúng ta nhận thấy nhu cầu khám phá thân thể mình, khám phá những cảm giác giao hoan là vấn đề muôn thuở của nhân loại từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Văn học nói chung và văn học Việt Nam nói riêng cũng nằm trong dòng chảy tự nhiên ấy, nên viết về sex, tiếp cận sex là điều hoàn toàn hợp logic, song vấn đề đặt ra làm sao để đúng liều lượng, có chừng mực, hướng tới giá trị nhân bản của con người. Bội thực đã khó chịu, dùng sex quá liều cũng tác hại ghê gớm, hậu quả khó lường!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét