THÁCH ĐỐ HỘI ĐỒNG BẦU CỬ
Nguyễn Đình Cống
13-12-2015
Kỳ họp Quốc hội (QH) tháng 11- 2015 đã lập được Hội đồng bầu cử quốc gia ( HĐBC ) để chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới vào năm 2016.
Theo tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” tôi đã đóng góp với QH một số ý kiến thông qua thư và kiến nghị. Những ý kiến đó đều bị chìm ngập ở đâu không biết được. Tôi biết lời khuyên sau: “Khi mọi lời góp ý không được chấp nhận thì thử dùng cách thách đố xem sao”. Chưa dám thách đố QH, tôi chỉ mới dám thách đố HĐBC.
Có nhận xét QH chưa làm tròn chức trách Cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Dân Việt, phần lớn mất lòng tin vào QH, cho rằng một số nghị sĩ chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu. QH có 3 loại nghị sĩ chính. Loại 3 gồm các quan chức của Đảng và chính quyền, cho rằng mọi việc đã được họ quyết định ở nơi khác, đưa ra QH chỉ để thảo luận công khai cho có chuyện mà thôi. Loại 2 được cơ cấu để đại diện cho các thành phần khác nhau của dân tộc, đa số họ có năng lực hạn chế, thường tin vào cấp trên, sẵn sàng bấm nút bỏ phiếu theo hướng dẫn hoặc theo cảm tính. Loại 1 gồm một thiểu số những người có năng lực, có thể đại diện cho cử tri. Ba loại người này thuộc kiểu “đồng sàng dị mộng”, cùng ở trong QH nhưng quan tâm về những vấn đề khác nhau, có khi còn coi thường lẫn nhau.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là sự dân chủ hình thức, mà thực chất là mất dân chủ trong việc lập ra QH theo lối Đảng cử dân bầu. HĐBC vừa được lập có lời hứa hẹn sẽ tổ chức được cuộc bầu cử có chất lượng, tạo ra được QH khóa mới đúng nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng đại diện cho cử tri. Tôi xin thách đố HĐBC làm được việc đó, nghĩa là bầu được một QH có chất lượng tốt.
Tuy vậy, nếu chỉ thách đố không thôi thì chỉ là một chiều và dễ bị mang tiếng là thiếu trách nhiệm. Vì thế cùng với việc thách đố tôi xin nêu một vài đề nghị để các vị tham khảo.
1- Đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Từ trước đến nay lãnh đạo các cấp vẫn nói như thế, nhưng trong hành động thì lại tập trung sức lực bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và ý thức hệ, khi có mâu thuẩn giữa quyền lợi của dân tộc và của Đảng thì họ hy sinh quyền lợi dân tộc. Nếu còn lương tri xin hãy trung thực, chớ nói một đàng, làm một nẻo.
2- Biết thì làm, chưa biết thì học. Chúng ta tự hào là giỏi trong việc đánh nhau, còn trong việc xây dựng đất nước thì còn kém. Chưa biết thì học. Trước đây học Liên xô, Trung quốc. Liên xô đã sụp đổ, TQ tỏ ra là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, không thể tiếp tục tôn họ làm thầy. Hãy học những nước phát triển tốt trong hòa bình, gần thì như Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, xa thì như Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan, bé thì như Bỉ, Niudilân, lớn thì như Nhật, Canađa, Úc, Anh, Đức, Pháp, Mỹ. Hãy học xem họ phát triển đất nước, thực thi nền dân chủ và nhân quyền như thế nào. Xin đừng tự hào tự phụ ta đây giỏi nhất, tiến bộ nhất thế giới.
3- Để lập được một QH có năng lực thì trước hết phải tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu, Mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc ứng cử và vận động. Phải coi trọng việc tranh cử, tổ chức cho các ứng viên đối thoại, tranh luận với nhau công khai để cử tri nhận xét. Trong nhân dân không thiếu người tài giỏi, một số họ đang bị giam cầm. Hãy thả hết tù nhân lương tâm để họ ứng cử và vận động bấu cử. Trong Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh có viết: “Người ra khỏi tù liền dựng nước. Qua cơn hoạn nạn tỏ lòng trung…”.
4- Để trở thành Đại biểu QH chỉ cần 1 điều kiện duy nhất là sự tín nhiệm của cử tri thông qua bầu cử thật sự dân chủ và vận động công khai. Nên bỏ hết các tiêu chuẩn hình thức do Đảng hoặc Mặt trận lập ra, những tiêu chuẩn ấy chủ yếu để chọn người chỉ biết trung thành với Đảng, biết bấm nút bỏ phiếu theo hướng dẫn chứ không phải nhằm chọn người thực sự tài giỏi.
5- Hạn chế tối đa tiến đến xóa bỏ việc một người vừa là cán bộ chủ chốt của chính quyền (cơ quan hành pháp), vừa là đại biểu QH (cơ quan lập pháp). Một người ở 2 cơ quan như vậy, họ vừa đá bóng, vừa thổi còi, làm mất tính nghiêm túc của QH, vi phạm vào nguyên lý Tam quyền phân lập. Nghiên cứu để bãi bỏ việc đưa các cán bộ trung ương về áp đặt ứng cử ở địa phương.
6- Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 11 sẽ thảo luận và quyết định những vị trí lãnh đạo chủ chốt nhà nước khóa mới. Làm như vậy tưởng là vì trách nhiệm, trước nay vẫn làm như thế, nhưng xét ra đó là việc vi phạm đạo lý dân chủ mà nền vô sản chuyên chính chủ trương. Bầu chọn Tổng bí thư là việc của Đại hội Đảng, để ĐH lo. Bầu Chủ tịch nước, Chủ tich Quốc hội và Thủ tướng chính phủ sắp tới là việc của Quốc hội khóa mới. Đề nghị với HĐBC tuyên bố công khai việc đó để cho BCH TƯ Đảng khóa 11 khỏi phải mất công sức lo làm một việc mất dân chủ và coi thường vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.
7-Đề nghị HĐBC tổ chức một ban cố vấn, trước hết mời những “ Hiền tài của đất nước”, sau kêu gọi những người có trí tuệ và lòng dũng cảm tham gia để hiến kế. Xin đừng quá tin mà dựa vào các trí thức quan chức trong các cơ sở tuyên huấn của Đảng và Nhà nước. Khi dùng họ phải lựa chọn kỹ càng vì một số trong đó kém trí tuệ, thiếu khí tiết, quen sống quỳ gối, khom lưng, cúi đầu, uốn lưỡi nói theo hoặc ca ngợi những điều đã lỗi thời, số đó không xứng đáng được xem là trí thức của dân tộc.
Mấy lời, vừa thách đố, vừa góp ý của một thảo dân. Kính mong HĐBC và những cán bộ lãnh đạo quan tâm xem xét. Trong hoàn cảnh Đảng trị hiện nay, để làm được những việc ích nước lợi dân, ngoài trí tuệ còn rất cần lòng dũng cảm. Các vị trong HĐBC sẽ có được trí tuệ và lòng dũng cảm đó khi biết tin và dựa vào sức mạnh toàn dân tộc.
nguồn: boxitvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét