10/12/2015
Danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa và thực trạng văn hóa của người Việt
Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
09-12-2015
09-12-2015
Cổng chào khối văn hóa ở phường Đông Vĩnh – Tp. Vinh – tỉnh Nghệ An
Danh hiệu văn hóa, làng văn hóa được chính quyền Việt Nam áp dụng với mục đích giảm những tệ nạn xã hội, gia tăng giá trị đạo đức gia đình, xã hội. Mặc dù có rất nhiều gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” nhưng tình trạng đạo đức xã hội, tệ nạn xã hội xuống cấp vẫn không được cải thiện.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này. Xuân Nguyên tìm hiểu và trình bày.
Theo con số thống kê của ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Việt Nam có khoảng 19 triệu gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Cũng theo thống kê này, hơn 85% gia đình Việt Nam hiện nay là gia đình văn hóa.
Bất cập về khái niệm, chỉ tiêu
Nhạc sỹ Mai Trung Chính, đang sinh sống tại Sài Gòn cho biết, khái niệm “gia đình văn hóa”, “làng, ấp, bản, khối…văn hóa” là rất mâu thuẫn. Bởi đã là con người thì ai cũng có “văn hóa”, chỉ có văn hóa thấp hay cao, văn hóa ít hay nhiều, và văn hóa tùy thuộc vào từng người chứ không phụ thuộc vào cái bằng khen của chính quyền.
Nhạc sỹ Mai Trung Chính nói:
“Văn hóa là tùy theo từng người, chứ đâu phụ thuộc vào cái bằng đó đâu, đối với mình danh hiệu khu phố văn hóa, gia đình văn hóa đó không ăn thua gì”.
Nói về khái niệm gia đình, làng, ấp, bản, khối… văn hóa, anh Nguyễn Thiện Nhân – nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Bình Dương cho rằng, vì chính quyền Việt Nam là một nhà nước độc đảng nên dẫn đến việc độc quyền về chân lý, về khái niệm “văn hóa” của đảng. Tức là những gì người ta nói theo ý của đảng, nhà nước thì được cho là có “văn hóa”, còn những gì trái với ý của đảng và nhà nước thì sẽ bị cho là “vô văn hóa”. Do đó cái khái niệm “văn hóa” do đảng và nhà nước đề ra, không phản ánh thực tế đời sống văn hóa của người dân.
Chia sẻ thêm về tiêu chuẩn của gia đình, làng, khối, ấp, bản… văn hóa chiếu theo thông tư 12/2001 của bộ Văn hóa (sau này có thêm thông tư 12/2011 của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), anh Nguyễn Thiện Nhân nói:
“Theo thông tư 12/2001 của bộ Văn hóa có quy định những điểm sau về gia đình văn hóa và làng văn hóa:
Gia đình văn hóa có những tiêu chuẩn như, nếp sống lành mạnh; đối xử tốt với cộng đồng; không có những tệ nạn như trộm cướp, ma túy, mãi dâm; con em được đi học; chấp hành tốt các quy định về vệ sinh môi trường, chấp hành tốt đường lối chính sách của đảng và nhà nước …
Còn tiêu chuẩn làng, ấp, khối… văn hóa có những tiêu chuẩn sau, đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần phong phú; môi trường, cảnh quanh sạch – đẹp; chấp hành tốt chính sách đường lối của đảng và nhà nước; tinh thần đoàn kết, tương trợ…”
Cũng theo anh Nguyễn Thiện Nhân, những tiêu chuẩn trên còn có rất nhiều điều bất cập, điển hình là tiêu chuẩn “chấp hành tốt đường lối, chính sách của đảng và nhà nước”. Với tiêu chuẩn này thì những gia đình, làng có người bất đồng chính kiến, dân oan hay những người từng đi khiếu kiện chính sách của nhà nước thì họ sẽ không bao giờ đạt được danh hiệu này.
Bệnh thành tích đi lên
Nói về bệnh thành tích trong việc cấp bằng khen gia đình văn hóa, làng, ấp, khối… văn hóa của chính quyền, nhạc sỹ Mai Trung Chính thấy rằng, chính quyền địa phương ở nơi nào cũng muốn chạy đua thành tích để cuối năm họ nhận bằng, giấy khen, để tăng lương, để thăng chức thôi, chứ họ chưa chú tâm đến việc những gia đình, làng, ấp, bản, khối… đó có văn hóa hay không, hoặc đời sống văn hóa ở đó có tốt hay không? Ông nói:
“Ở phòng thu âm mình, có ca sỹ tới thu âm và bị mất xe, sau đó tới công an phương để khai báo. Thì họ bảo, sao ông lại để mất xe, bị mất như vậy thì làm sao chúng tôi lấy được danh hiệu “văn hóa”. Đại khái như vậy, chứ họ có quan tâm đến có văn hóa hay không.
Ở Sài Gòn thì cổng nào cũng có khu văn hóa thật, nhưng mà trong đó cũng có hút chích, có đánh nhau, có đủ thứ…”
Nhà báo tự do Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, do bệnh thành tích nên chính quyền địa phương đã xét duyệt tràn lan, bừa bãi và quá dễ dãi đối với những danh hiệu gia đình, làng, ấp, bản, khối… văn hóa. Dẫn đến việc danh hiệu đó chỉ còn mang tính hình thức.
Anh Nguyễn Thiện Nhân nhận xét:
“Các cấp đảng và nhà nước bắt đầu triển khai, và họ làm một cách rầm rộ rất là hình thức, cuối cùng cái danh hiệu này chỉ để tô vẽ cho chế độ. Và nó dung dưỡng cái bệnh thành tích và nó không còn giá trị thực chất nữa, bởi vì cái gì nhiều và dễ dãi thì sẽ không còn giá trị nữa”.
Đạo đức xã hội, văn hóa đi xuống
Là một người miền Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954, nhạc sỹ Mai Trung Chính cho rằng, đạo đức xã hội, văn hóa của người Việt Nam đang xuống dốc cách trầm trọng sau hơn 70 năm ở miền Bắc và hơn 40 năm ở miền Nam. Trước đây người người dân ở Sài Gòn sống có “nhân bản” lắm, đạo đức xã hội luôn được xem là ưu tiên hàng đầu. Ngày xưa dân miền Bắc cũng giúp nhau nhiều lắm, hễ có gia đình, người nào cần giúp đỡ thì sẽ được giúp liền, không ai toan tính gì cả.
Khi nói về tình trạng đạo đức của người Việt bây giờ, nhạc sỹ ngậm ngùi khẳng định:
“Nói thật, bây giờ người ta “sống chết mặc bay”, thậm chí đi ra ngoài đường mà lỡ có bị cướp, người ta lờ đi cho xong chuyện, hoặc hai người đánh thì cứ việc đánh đi, còn ngươi ta cũng lờ luôn, mặc kệ”.
Theo báo Tuổi trẻ vào ngày 3/12/2015, ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phải công nhận rằng, mặc dù cả nước có hơn 19 triệu gia đình văn hóa nhưng tình trạng bạo lực gia đình, đạo đức gia đình và xã hội đang xuống cấp trầm trọng, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, các giá trị văn hóa truyền thống gia đình đang dần bị mai một.
Pgs.Ts Vũ Mạnh Lợi – phó viện trưởng Viện xã hội học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) cũng khẳng định trên báo Tuổi trẻ vào ngày 5/12/2015 rằng:
“Tôi đánh giá việc thực hiện chủ trương này là không thành công. Các tệ nạn xã hội vẫn còn đó, đạo đức xã hội vẫn không được cải thiện”.
Còn Nhà báo tự do Nguyễn Thiện thấy rằng, cần bỏ luôn cái danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng, ấp, bản, khối…văn hóa” càng sớm càng tốt, bởi những hoạt động này tiêu tốn rất nhiều ngân sách quốc gia. Nói trắng ra là tiêu tốn quá nhiều tiền thuế của người dân, trong khi các tệ nạn xã hội, đạo đức vẫn không được cải thiện. Anh tiếp tục nhận định:
“Bây giờ ở cái thời đại công nghệ thông tin tràn ngập, người dân họ đã thấy rõ cái bản chất của việc này rồi. Nó chỉ còn là hình thức, là tấm biển treo thôi, do đó càng bỏ nhanh càng tốt”.
Các chuyên gia về xã hội học cũng có nhận định rằng, tệ nạn xã hội và đạo đức xã hội tại Việt Nam đang xuống cấp một cách trầm trọng, và những nét văn hóa của người Việt ngày càng mai một theo thời gian. Nếu không có sự quan tâm của nhà nước và toàn xã hội thì đạo đức xã hội và văn hóa của người Việt sẽ càng lún sâu hơn.
X.Ng
Nguồn: bau xit viet nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét